Ung thư phổi không tế bào nhỏ là gì?

Ung thư phổi xuất hiện là do sự phát triển bất thường và nhanh chóng của các tế bào tại phổi tạo thành bướu hoặc khối u. Nếu không phát hiện và điều trị thích hợp, các tế bào ung thư phổi sẽ lan tràn đến các cơ quan khác của cơ thể, gọi là bệnh di căn.

Ung thư phổi không tế bào nhỏ (UTPKTBN) chiếm khoảng 85 – 90% trường hợp ung thư phổi, được xác định dựa vào một số đặc trưng của tế bào khối u khi quan sát dưới kính hiển vi.

Điều trị UTPKTBN như thế nào?

Tiến triển UTPKTBN được chia thành 4 giai đoạn tùy thuộc vào kích thước khối u, tình trạng hạch tại vùng và sự lan tràn của bệnh (di căn). Việc phân giai đoạn giúp lựa chọn điều trị tốt hơn.

UTPKTBN có thể được điều trị (đơn trị hoặc phối hợp) bằng nhiều liệu pháp khác nhau, tùy theo giai đoạn của khối u.

  • Giai đoạn sớm (giai đoạn I và II): Phẫu thuật là điều trị chính để loại bỏ khối u. Hóa trị và xạ trị có thể được bác sĩ sử dụng trong những trường hợp cần thiết.
  • Giai đoạn tại chỗ (giai đoạn III): Tùy vào tình trạng khối u, bác sĩ sẽ cân nhắc phối hợp các liệu pháp như phẫu thuật, hóa trị hoặc xạ trị (gọi chung là điều trị đa mô thức).
  • Giai đoạn di căn (giai đoạn IV):
    • -Phẫu thuật hoặc xạ trị không thể giúp giải quyết tận gốc do khối u đã lan rộng ra ngoài phổi. Hóa trị sẽ là điều trị chủ yếu giúp chăm sóc nâng đỡ và cải thiện chất lượng sống.
    • -Trong giai đoạn này, xét nghiệm mô học trên mẫu khối u đã sinh thiết sẽ được thực hiện để xác định kiểu đột biến gen của khối u ở phổi. Kết quả xét nghiệm này (tình trạng đột biến gen) giúp bác sĩ lựa chọn liệu pháp điều trị phù hợp nhất (còn gọi là liệu pháp nhắm trúng đích).
 

Liệu pháp nhắm trúng đích là gì?

Trong khi hóa trị ảnh hưởng đến tất cả các tế bào có tốc độ sinh sản nhanh không phân biệt tế bào bình thường hay ác tính, liệu pháp nhắm trúng đích chỉ tác động đến các tế bào ung thư theo cơ chế riêng của từng loại thuốc.

Có nhiều loại thuốc nhắm trúng đích khác nhau và mỗi loại chỉ phù hợp cho một số tình trạng bệnh nhất định (tùy theo kết quả xét nghiệm từ mẫu mô ung thư phổi).

Khi nào cần được điều trị UTPKTBN với liệu pháp nhắm trúng đích?

Nếu kết quả xét nghiệm dương tính với một loại đột biến gen (như EGFR, ALK ), bác sĩ sẽ lựa chọn cho bạn một loại thuốc nhắm trúng đích phù hợp với tình trạng đột biến này.

Thuốc nhắm trúng đích sẽ gắn kết với phân tử đột biếnngăn chặn sự phát tín hiệu sinh ung thư của nó. Điều này sẽ giúp bệnh chậm tiến triển và kéo dài thời gian sống cho bệnh nhân.

Những điểm cần lưu ý quan trọng khi điều trị với liệu pháp nhắm trúng đích
  • Để đạt được hiệu quả điều trị, bệnh nhân cần uống thuốc đúng liều theo hướng dẫn của bác sĩ.
  • Uống thuốc đúng thời điểm cũng rất quan trọng: một số thuốc cần được uống cách xa bữa ăn. Bệnh nhân phải lưu ý đến chỉ dẫn của bác sĩ về điều này.
  • Nhiều loại thuốc nhắm trúng đích phải được uống nguyên viên (không bẻ) và uống với nhiều nước. Bệnh nhân cần thông báo cho bác sĩ biết nếu đang có vấn đề về nuốt.
  • Bệnh nhân không được uống thuốc quá liều chỉ định của bác sĩ. Hãy đến ngay cơ sở y tế gần nhất nếu đã lỡ uống nhầm liều điều trị.
 

Như các loại thuốc điều trị khác, bệnh nhân cũng có thể gặp các triệu chứng không mong muốn (tác dụng ngoại ý) khi điều trị với liệu pháp nhắm trúng đích. Việc đánh giá đúng và điều trị kịp thời có thể giúp hạn chế nguy cơ phải ngưng điều trị liệu pháp nhắm trúng đích. Vì vậy, bệnh nhân cần thông báo sớm cho bác sĩ điều trị về những triệu chứng bất thường này để được hướng dẫn xử trí phù hợp nhất.

Hiểu biết đầy đủ về tác động của liệu pháp nhắm trúng đích

Nhìn chung, các tác dụng ngoại ý liên quan thuốc điều trị nhắm đích chủ yếu là tác động trên đường tiêu hóa và da niêm, thông thường có thể gặp như:

  • Tiêu chảy
  • Ban da
  • Viêm niêm mạc miệng
  • Viêm quanh móng

Những tác dụng ngoại ý này thường xảy ra ở mức độ nhẹ hoặc vừa; và có thể kiểm soát hoặc dự phòng được.

Điều quan trọng cần nhớ
  • Phải thông báo ngay với bác sĩ điều trị khi xảy ra bất kỳ tác dụng ngoại ý nào.
  • Không tự ý thay đổi liều hoặc ngừng điều trị thuốc nhắm trúng đích.
  • Không tự ý sử dụng thuốc điều trị triệu chứng mà không tham khảo ý kiến bác sĩ điều trị.
 

Tiêu chảy là tác dụng ngoại ý rất thường gặp khi điều trị với thuốc nhắm trúng đích tác động lên kiểu đột biến gen EGFR.

Nhận biết triệu chứng

Đi tiêu phân sệt hoặc lỏng nhiều hơn 3 lần mỗi ngày.

Liên hệ ngay với bác sĩ điều trị…
  • Ngay khi xuất hiện lần đầu tiên.
  • Khi cảm thấy không khỏe hoặc tiêu chảy ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày.
  • Khi có bất kỳ triệu chứng khác kèm theo như đau bụng, sốt hoặc nước tiểu có màu vàng sậm.
  • Triệu chứng không cải thiện (không giảm số lần đi phân và tính chất phân bất thường) sau khi đã được bác sĩ điều trị.
Điều quan trọng cần nhớ
  • Phải thông báo ngay với bác sĩ điều trị khi xảy ra bất kỳ triệu chứng bất thường nào.
  • Không tự ý thay đổi liều hoặc ngừng điều trị thuốc nhắm trúng đích.
  • Không tự ý sử dụng thuốc điều trị triệu chứng mà không tham khảo ý kiến bác sĩ điều trị.
 

Uống nước đầy đủ

Cần phải uống nước đầy đủ khi bị tiêu chảy để tránh tình trạng cơ thể mất nước và làm bệnh nặng thêm.

Chế độ ăn nhẹ, dễ tiêu hóa
  • Chia thành nhiều bữa ăn nhỏ trong ngày
  • Chọn các món ăn dễ tiêu
  • Tránh hoặc hạn chế dùng các thực phẩm có thể làm tiêu chảy nặng thêm, chẳng hạn như:
    • -Các món chế biến từ sữa
    • -Thức ăn nhiều chất béo, chất xơ, gia vị cay
    • -Các món uống có chất kích thích như cà phê, rượu…
GIỮ VỆ SINH CƠ THỂ
  • Rửa tay sau khi đi vệ sinh và trước khi ăn
  • Chăm sóc vùng hậu môn để tránh hăm da và nhiễm trùng
 

Ban da cũng là tác dụng ngoại ý hay xảy ra khi điều trị với thuốc nhắm trúng đích tác động lên kiểu đột biến gen EGFR, và thường ở mức độ nhẹ hoặc trung bình.

Nhận biết triệu chứng

Phát ban da hoặc mụn (như mụn mủ) trên da bất kỳ vị trí trong cơ thể.

NhẹTrung bìnhNặng
  • Ít ngứa hoặc đau
  • Ngứa hoặc đau đáng kể
  • Ngứa và đau tăng
  • Khu trú
  • Có thể lan ra 1 vùng
  • Lan rộng và có thể nhiễm khuẩn
Liên hệ ngay với bác sĩ điều trị…
  • Ngay khi xuất hiện ban da lần đầu tiên.
  • Khi triệu chứng nặng thêm hoặc ban da ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày.
  • Ban da không cải thiện sau khi đã được bác sĩ điều trị.
Chăm sóc khi có phát ban da
  • Bác sĩ sẽ điều trị ban da bằng thuốc phù hợp tùy theo tình trạng tổn thương.
  • Có thể chườm nước mát để giảm ngứa.
  • Giữ ẩm cho làn da.
  • Chăm sóc da nhẹ nhàng.
Điều quan trọng cần nhớ
  • Phải thông báo ngay với bác sĩ điều trị khi xảy ra bất kỳ triệu chứng bất thường.
  • Không tự ý thay đổi liều hoặc ngừng điều trị thuốc nhắm trúng đích.
  • Không tự ý sử dụng thuốc điều trị triệu chứng mà không tham khảo ý kiến bác sĩ điều trị.
 

Tránh tiếp xúc với ánh nắng
  • Hạn chế tiếp xúc ánh nắng trực tiếp, đặc biệt là từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều.
  • Không tắm nắng.
  • Khi đi ra ngoài trời, nên mặc quần áo dài che kín tay chân, đội mũ và mang kính để tránh ánh nắng.
  • Sử dụng kem chống nắng có chỉ số chống nắng SPF > 30 và có hiệu quả bảo vệ đối với các tia UVA và UVB. Nên thoa mỗi 2 giờ hoặc thường xuyên hơn nếu cơ thể bị ướt hoặc đổ mồ hôi.
Chăm sóc da nhẹ nhàng
  • Sử dụng xà phòng, dầu gội dịu nhẹ có pH trung tính.
  • Nên tắm bằng nước ấm, không tắm quá lâu và tránh nước nóng.
  • Làm khô da nhẹ nhàng bằng khăn lông mềm và sạch (không chà xát cơ thể với khăn dày).
  • Tránh sử dụng vải sợi tổng hợp, len có thể làm ngứa da.
  • Giặt quần áo, khăn trải giường với xà phòng ít chất tẩy.
  • Nên sử dụng máy làm ẩm không khí nếu môi trường sống quá nóng và khô.
Giữ làn da mềm mại
  • Thoa kem dưỡng ẩm da mỗi ngày, trong 15 phút sau tắm. Nên chọn dùng sản phẩm ít gây dị ứng, không chứa chất bảo quản và hương liệu.
  • Không sử dụng các loại kem dạng đặc có thành phần là paraffin, petroleum hoặc dầu khoáng.
 

Nhận biết triệu chứng

Viêm miệng là tình trạng lớp niêm mạc của miệng bị viêm và có thể có loét kèm theo. Triệu chứng thường gặp là nướu đỏ, đau, chảy máu và các vết loét trên lưỡi, môi, vòm hoặc sàn của miệng.

Liên hệ ngay với bác sĩ điều trị…
  • Khi triệu chứng nặng hoặc đau miệng ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày.
  • Viêm miệng không cải thiện sau khi đã được bác sĩ hướng dẫn điều trị.
Chăm sóc khi có viêm miệng
  • Nhiều loại thuốc làm êm dịu miệng dưới dạng xịt, ngậm hoặc dung dịch có thể được bác sĩ lựa chọn phù hợp với tình trạng bệnh nhân.
  • Ngậm đá xay để làm dịu đau.
Điều quan trọng cần nhớ
  • Phải thông báo ngay với bác sĩ điều trị khi xảy ra bất kỳ triệu chứng bất thường.
  • Không tự ý thay đổi liều hoặc ngừng điều trị thuốc nhắm trúng đích.
  • Không tự ý sử dụng thuốc điều trị triệu chứng mà không tham khảo ý kiến bác sĩ điều trị.
 

Chăm sóc răng miệng
  • Chải răng và nướu bằng bàn chải mềm.
  • Súc miệng với nước muối ấm pha loãng sau mỗi bữa ăn và trước khi ngủ.
  • Không sử dụng nước súc miệng có cồn.
Chế độ ăn nhẹ dễ nuốt
  • Không dùng thức ăn nóng hoặc ấm và các loại thức ăn cứng hoặc nhám (các loại rau sống, bánh mì nướng…)
  • Chọn loại thức ăn có tính dịu, mềm và nhão như khoai tây nghiền, trứng chiên, mì ống phô mai, trái cây mềm hoặc thức ăn xay nhuyễn.
  • Tránh các món có vị chua như nước chanh, cà chua…, vị cay, mặn.
  • Uống nước đầy đủ. Dùng ống hút để uống.
Làm dịu cơn đau
  • Sử dụng son dưỡng cho môi khô.
 

Nhận biết triệu chứng

Viêm quanh móng (chín mé) là tình trạng viêm và nhiễm khuẩn da vùng quanh móng. Vùng da xung quanh móng chân hoặc móng tay bị sưng đỏ.

Liên hệ ngay với bác sĩ điều trị…
  • Khi triệu chứng nặng hoặc móng bị đau có ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày.
  • Viêm quanh móng không cải thiện sau khi đã được bác sĩ hướng dẫn điều trị.
Chăm sóc móng khi bị viêm
  • Nhiều loại thuốc ngâm có thể làm êm dịu vùng da quanh móng và ngăn ngừa nhiễm khuẩn. Bác sĩ sẽ lựa chọn loại phù hợp cho bệnh nhân.
  • Cắt gọn vừa phải móng tay chân. Không cắt quá sát vào da có thể gây nhiễm khuẩn.
  • Không cắn móng tay hoặc làm tổn thương móng.
  • Giữ tay chân khô sạch.
  • Tránh tiếp xúc với các chất kích thích (như chất tẩy rửa).
Điều quan trọng cần nhớ
  • Phải thông báo ngay với bác sĩ điều trị khi xảy ra bất kỳ triệu chứng bất thường.
  • Không tự ý thay đổi liều hoặc ngừng điều trị thuốc nhắm trúng đích.
  • Không tự ý sử dụng thuốc điều trị triệu chứng mà không tham khảo ý kiến bác sĩ điều trị.
 

Việc điều trị bằng thuốc nhắm trúng đích giúp kéo dài thêm cuộc sống cho bệnh nhân UTPKTBN. Tuy nhiên, bệnh nhân có thể cảm giác mệt mỏi. Vì vậy, điều quan trọng là phải chăm sóc tốt bản thân.

Bỏ hút thuốc lá nếu bệnh nhân là người hút thuốc lá
  • Điều này là quan trọng vì sẽ làm giảm nguy cơ tái phát bệnh.
Nghỉ ngơi thật đầy đủ
  • Dành nhiều thời gian nghỉ ngơi để hồi phục sức khỏe.
  • Kết hợp liệu pháp bổ sung, chẳng hạn như hương trị liệu – sử dụng các loại tinh dầu chiết xuất từ thực vật có các hương thơm khác nhau (như bạc hà, oải hương, hương thảo, khuynh diệp, ngọc lan tây,…).
    • -Bằng cách xông hơi hoặc kết hợp xoa bóp ngoài da, hương trị liệu có thể giúp cơ thể thư giãn, giảm mệt mỏi và tăng cường khả năng đối phó với các tác dụng ngoại ý do điều trị.
    • -Bệnh nhân cần hỏi ý kiến bác sĩ để có thể lựa chọn liệu pháp bổ sung phù hợp.
Chế độ ăn lành mạnh và sống năng động giúp cải thiện sức khỏe
  • Việc tập luyện nên khởi đầu chậm và tăng lên từ từ khi cảm thấy tốt hơn.
 

  • 1.Tôi có thể ngừng dùng thuốc nếu có tác dụng ngoại ý xuất hiện không?

    Bạn không được tự ý giảm liều hay ngừng dùng thuốc trừ khi có sự chỉ định của bác sĩ.

  • 2.Nếu sau khi bác sĩ đã điều trị mà tác dụng ngoại ý vẫn không hết hoặc nặng hơn thì tôi phải làm sao?

    Bạn nên báo ngay với bác sĩ điều trị để được khám và đánh giá lại. Sau đó, bác sĩ sẽ đưa ra giải pháp thích hợp.

  • 3.Trong quá trình điều trị bằng liệu pháp nhắm trúng đích, nếu bị tiêu chảy nhẹ thì tôi có thể tự mua thuốc để uống không?

    Bạn không thể tự điều trị cho mình. Phải thông báo ngay với bác sĩ điều trị khi bị tiêu chảy để được khám và bác sĩ sẽ quyết định điều trị thích hợp cho bạn.

  • 4.Tôi có thể thoa thuốc làm giảm ngứa khi bị ban da không?

    Bạn không nên tự ý sử dụng thuốc ở vùng da bị nổi ban. Hãy liên hệ với bác sĩ để được hướng dẫn cách điều trị phù hợp.

  • 5.Nếu miệng quá đau khiến tôi không thể đánh răng thì sao?

    Bạn có thể thay thế bàn chải đánh răng bằng một miếng gạc.

    Đối với miệng nhạy cảm, bạn có thể súc miệng ngày 3 lần bằng dung dịch sát khuẩn miệng chuyên biệt không chứa cồn.

Nguồn tham khảo
  • 1.Non-small-cell lung cancer (NSCLC). An ESMO guide for patients.
    Available at http://www.esmo.org/Patients/Patient-Guides/Non-Small-Cell-Lung-Cancer. Accessed on 25/3/2018
  • 2.Common Terminology Criteria for Adverse Events (CTCAE) Version 4.0.
  • 3.Hirsh V. Managing treatment-related adverse events associated with EGFR tyrosine kinase inhibitors in advanced non-small-cell lung cancer. Curr Oncol. 2011;18(3):126-138.
  • 4.Cancer Network. Diarrhea in Cancer Patients.
    Available at http://www.cancernetwork.com/nurses/content/article/10165/1170582. Accessed on 25/03/18.
  • 5.Cancer.Net. Skin reactions to targeted therapies. Available at http://www.cancer.net/all-aboutcancer/treating-cancer/managing-side-effects/skin-reactions-targeted-therapies. Accessed on 25/03/18.
  • 6.Burtness B, et al. NCCN Task Force Report: Management of dermatologic and other toxicities associated with EGFR inhibition in patients with cancer. J Natl Compr Canc Netw. 2009;7 (suppl 1):S5-S21.
  • 7.Rockwell PG. Acute and chronic paronychia. Am Fam Physician. 2001;63(6):1113-1116.
  • 8.Bensinger W, et al. NCCN Task Force Report. Prevention and management of mucositis in cancer care. J Natl Compr Canc Netw. 2008;6 (suppl 1):S1-S21.
  • 9.Fellowes D, Barnes K, Wilkinson S. The Cochrane Database of Systematic Reviews 2004, Issue 3. Art. No.: CD002287.pub2. DOI: 10.1002/14651858.CD002287.pub2.
Tài liệu này không nhằm mục đích thay thế việc thăm khám, điều trị chuyên môn. Chỉ có bác sĩ mới có thể chẩn đoán và điều tri bệnh.
Biên tập bởi MIMS. Các ý kiến được trình bày không nhất thiết của ban biên tập, nhà xuất bản hoặc nhà tài trợ. Ban biên tập, nhà xuất bản và nhà tài trợ không chịu trách nhiệm pháp lý cho bất kỳ tổn thất, mất mát nào có thể xảy ra.
© 2018 MIMS. All rights reserved. No part of this publication may be reproduced by any process in any language without the written permission of the publisher.

6 Phùng Khắc Khoan, Lầu 2, Phường Đa Kao, Quận 1, TP. HCM
ĐT: (84-8) 3829 7923
Fax: (84-8) 3822 1765
Email: enquiry.vn@mims.com